Ý nghĩa việc lập ĐTM
I.GIỚI THIỆU
“Đánh giá tác động môi trường là quá trình phân tích, đánh giá, dự báo ảnh hưởng đến môi trường của các dự án quy hoạch, phát triển kinh tế – xã hội, của các cơ sở sản xuất, kinh doanh, công trình kinh tế, khoa học kỹ thuật, y tế, văn hoá, xã hội, an ninh, quốc phòng và các công trình khác, đề xuất các giải pháp thích hợp về bảo vệ môi trường”.
Hoạt động phát triển kinh tế – xã hội ở đây có loại mang tính kinh tế – xã hội của quốc gia, của một địa phương lớn hoặc một ngành kinh tế văn hóa quan trọng (luật lệ, chính sách quốc gia, những chương trình quốc gia về phát triển kinh tế – xã hội, kế hoạch quốc gia dài hạn), có loại mang tính kinh tế – xã hội vi mô như đề án xây dựng công trình xây dựng cơ bản, quy hoạch phát triển, sơ đồ sử dụng một dạng hoặc nhiều dạng tài nguyên thiên nhiên tại một địa phương nhỏ. Tuy nhiên, một hoạt động có ý nghĩa vi mô đối với cấp quốc gia, nhưng có thể có ý nghĩa vĩ mô đối với cơ sở, xí nghiệp. Hoạt động vi mô nhưng được tổ chức một cách phổ biến trên địa bàn rộng có khi lại mang ý nghĩa vĩ mô.
Tác động đến môi trường có thể tốt hoặc xấu, có lợi hoặc có hại nhưng việc đánh giá tác động môi trường sẽ giúp những nhà ra quyết định chủ động lựa chọn những phương án khả thi và tối ưu về kinh tế và kỹ thuật trong bất cứ một kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội nào.
II. CĂN CỨ PHÁP LÝ THỰC HIỆN ĐTM, ĐTM BỔ SUNG VÀ CAM KẾT BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG.
Luật Bảo vệ môi trường 2005.
Nghị định số 80/2006/NĐ-CP ngày 09 tháng 8 năm 2006 của Chính phủ về quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Bảo vệ môi trường.
Nghị định số 21/2008/NĐ-CP ngày 28 tháng 02 năm 2008 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 80/2006/NĐ-CP.
Thông tư Số 05/2008/TT-BTNMT Hướng dẫn về đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường và cam kết bảo vệ môi trường.
III. HỒ SƠ ĐTM
3.1. Đối tượng phải lập báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐMT)
Các dự án thuộc Phụ lục I, Nghị định số 21/2008/NĐ-CP ngày 28/02/2008 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 80/2006/NĐ-CP.
3.2 Hồ sơ, trình tự thủ tục làm ĐTM.
– Chủ dự án thuộc đối tượng phải lập báo cáo ĐTM tự tổ chức hoặc thuê tổ chức tư vấn có đủ điều kiện theo quy định tại Điều 19 Luật Bảo vệ môi trường, Điều 8 Nghị định số 80/2006/NĐ-CP ngày 09 tháng 8 năm 2006 của Chính phủ.
– Nội dung báo cáo ĐTM được thực hiện theo đúng phụ lục 4 ban hành kèm theo Thông tư số 05/2008/TT-BTNMT ngày 08 tháng 12 năm 2008 của Bộ Tài nguyên và Môi trường.
– Báo cáo ĐTM là một trong những thành phần của hồ sơ dự án và phải được lập đồng thời với báo cáo nghiên cứu khả thi của dự án theo đúng quy định tại Điều 19, Luật Bảo vệ môi trường.
– Báo cáo ĐTM phải có tham vấn ý kiến cộng đồng theo đúng quy định tại khoản 6 Điều 21 Luật Bảo vệ môi trường và điểm 2 Mục III Thông tư số 05/2008/TT-BTNMT ngày 08 tháng 12 năm 2008 của Bộ Tài nguyên và Môi trường.
3.2.1. Hồ sơ đề nghị thẩm định báo cáo ĐTM
Sau khi lập xong báo cáo ĐTM theo quy định, chủ dự án gửi hồ sơ đề nghị thẩm định về cơ quan tổ chức thẩm định.
• Hồ sơ đề nghị thẩm định báo cáo ĐTM gồm:
– 01 văn bản của chủ dự án đề nghị thẩm định báo cáo ĐTM theo quy định tại Phụ lục 6 Thông tư số 05/2008/TT-BTNMT ngày 08 tháng 12 năm 2008 của Bộ Tài nguyên và Môi trường.
– 07 bản báo cáo ĐTM của dự án, bìa và trang phụ bìa của từng bản báo cáo theo mẫu quy định tại Phụ lục 7, Thông tư số 05/2008/TT-BTNMT ngày 08 tháng 12 năm 2008 của Bộ Tài nguyên và Môi trường.
– Trường hợp số lượng thành viên Hội đồng thẩm định cần nhiều hơn 07 người hoặc trong trường hợp cần thiết khác do yêu cầu của công tác thẩm định, chủ dự án phải cung cấp thêm số lượng báo cáo theo yêu cầu của cơ quan tổ chức thẩm định.
– 01 (một) bản báo cáo đầu tư hoặc báo cáo kinh tế – kỹ thuật hoặc dự án đầu tư hoặc tài liệu tương đương của dự án có chữ ký kèm theo họ tên, chức danh của chủ dự án và đóng dấu ở trang phụ bìa.
3.2.2. Thẩm định và phê duyệt báo cáo ĐTM
– Việc thẩm định báo cáo ĐTM được thực hiện thông qua Hội đồng thẩm định hoặc tổ chức dịch vụ thẩm định. Sau khi nhận đủ hồ sơ hợp lệ, cơ quan tổ chức thẩm định trình Chủ tịch UBND thành phố quyết định thành lập Hội đồng thẩm định hoặc lựa chọn tổ chức dịch vụ thẩm định.
– Sau khi nhận được hồ sơ hợp lệ và đáp ứng yêu cầu để thẩm định, cơ quan tổ chức việc thẩm định thành lập hội đồng thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường. Số lượng thành viên hội đồng thẩm định được quyết định căn cứ vào quy định tại các khoản 2, 3 và 4 Điều 21 Luật Bảo vệ môi trường, tính chất, quy mô của dự án và những yêu cầu đặt ra về môi trường, nhưng phải bảo đảm ít nhất là 07 (bảy) thành viên.
– Thời hạn thẩm định tối đa là 30 (ba mươi) ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ.
– Trường hợp hồ sơ chưa hợp lệ, trong thời hạn không quá 5 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ, cơ quan tiếp nhận hồ sơ có trách nhiệm thông báo bằng văn bản để chủ dự án bổ sung, hoàn chỉnh theo quy định.
– Báo cáo ĐTM thuộc thẩm quyền phê duyệt của UBND tỉnh thì sau khi được Hội đồng thẩm định thông qua, Sở Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm hoàn chỉnh hồ sơ trình Chủ tịch UBND tỉnh xem xét, phê duyệt.